Nếu có dịp du lịch Nha Trang vào những dịp này, du khách nhất định không nên bỏ qua cơ hội được tham gia vào các lễ hội để có được nhiều trải nghiệm thú vị trong suốt chuyến đi nhé!

Nha Trang vốn là một thành phố có lịch sử lâu đời, không chỉ nổi tiếng bởi những bãi biển đẹp nổi tiếng mà nơi đây còn thu hút nhiều du khách trong lẫn ngoài nước bởi những lễ hội truyền thống văn hóa đặc sắc. Ngay sau đây, hãy cùng Du Lịch Việt khám phá về những điều thú vị trong các lễ hội ở Nha Trang để có thể hiểu rõ hơn về văn hóa của nơi đây bạn nhé!


Tìm hiểu những điều thú vị của các lễ hội trong chuyến du lịch Nha Trang


Khám phá nét đặc sắc trong những lễ hội ở Nha Trang

Lễ hội Tháp bà Ponagar

Lễ hội Tháp bà Ponagar là một trong những lễ hội ở Nha Trang rất nổi tiếng tại Khánh Hòa, được tổ chức trọng thể hàng năm. Lễ hội này ra đời với mục đích nhằm ca ngợi công đức của Bà mẹ xứ sở, cầu cho dân an, mưa thuận gió hòa và có một cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Có thể nói, lễ hội Tháp bà Ponagar chính là cầu nối cho quá trình giao lưu, đan xen, hòa nhập văn hóa của dân tộc Chăm – Việt. Mang tính tôn nghiêm, thành kính của phần lễ cùng với tính sôi sôi động của phần hội, lễ hội Tháp bà Ponagar đã tạo nên giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo, được thể hiện thông qua nghi lễ truyền thống của lễ hội.

Du lịch Nha Trang vào mùa lễ hội này, du khách sẽ được thỏa sức khám phá một số hoạt động đặc sắc và nhiều phần lễ rất tôn nghiêm của người dân nơi đây. Ngoài ra, du khách cũng sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, các hoạt động triển lãm, trưng bày mang nét độc đáo riêng, đậm chất dân tộc Chăm.

Lễ hội Cầu Ngư

Lễ hội Cầu Ngư hay còn được gọi là lễ hội Cá Ông, Cá Voi được diễn ra tại Lăng Ông thuộc thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức hàng năm đúng ngày giỗ của cá Voi vào hai kỳ xuân tế và thu tế. Nếu du lịch Khánh Hòa vào khoảng thời gian tháng 2 và tháng 3 hằng năm, du khách đi tour Nha Trang sẽ có cơ hội được tham dự lễ hội này. Vì Lăng Ông rất gần với trung tâm thành phố nên việc di chuyển đến đây sẽ rất dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện cho du khách.

Đây là một lễ hội ở Nha Trang mang đậm chất tâm linh và phản ánh được nét văn hóa của ngư dân miền biển. Trong tâm thức của những người con xứ biển sinh sống bằng nghề ra khơi đánh bắt cá thì cá Voi vốn được xem như thần Nam Hải, là một vị thần luôn phù hộ độ trì và sẽ ra tay giúp đỡ cho chuyến ra khơi được suôn sẻ, bình an. Hình ảnh cá Voi vốn tượng trưng cho sự hướng thiện, hiền lành như chính những người ngư dân vô cùng cần cù, chăm chỉ, quanh năm bầu bạn với biển cả.

Lễ hội Cầu Ngư thường được bắt đầu từ lúc sáng sớm với màn lễ Nghinh Ông trên biển và rước Ông về ngự lễ tế. Đoàn rước sắc phong trông đông vui vô cùng, đi đầu là một đội múa lân sư rồng, theo sau là trống chiêng vang rộn khắp cả một góc trời.


Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức hoành tráng tại Nha Trang


Lễ giỗ tổ Hùng Vương

Giỗ tổ Hùng Vương chính là một ngày quốc giỗ của toàn thể dân tộc Việt Nam ta, là dịp để mỗi người con đất Việt có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn và nhớ về nguồn cội. Vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, tại khắp mọi nơi trên tổ quốc đều sẽ tổ chức lễ giỗ tổ Vua Hùng.

Nếu có dịp đi tour du lịch Nha Trang vào thời gian này, du khách sẽ có cơ hội được tham gia lễ giỗ tổ được diễn ra một cách trang trọng uy nghiêm tại Đền Hùng Vương, tọa lạc tại số 173 Ngô Gia Tự thuộc thành phố Nha Trang. Các nghi lễ được diễn ra hết sức tôn nghiêm thành kính, với sự tham gia góp mặt của các cấp lãnh đạo và đông đảo người dân.

Lễ hội Am Chúa

Hằng năm, cứ vào ngày 1 đến ngày 3 tháng 3 âm lịch đều sẽ diễn ra lễ hội Am Chúa, được tổ chức ngay tại khu di tích Am Chúa, nằm trên núi Đại An thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Cũng giống với lễ hội tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa sẽ được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến Thánh mẫu Thiên Y A Na.

Các nghi lễ sẽ được diễn ra vô cùng trang trọng, thể hiện sự thành kính và sự tôn sùng vị Thánh mẫu, đồng thời người dân sẽ cầu cho mưa gió thuận hòa, cuộc sống được bình yên và êm ấm. Theo sự tích được ghi lại thì Am Chúa chính là nơi mà Bà Ponagar đã sinh ra và lớn lên khi ở cùng cha mẹ nuôi, còn tháp Bà Ponagar lại là nơi thờ Bà khi đã hiển thánh. Và tục thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na đều được bắt nguồn từ tín ngưỡng của người Chăm pa cổ xưa.

Có thể thấy rằng các lễ hội truyền thống tại Nha Trang đã luôn đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của văn hóa và du lịch nơi đây. Nếu có dịp du lịch Nha Trang vào những dịp này, du khách nhất định không nên bỏ qua cơ hội được tham gia vào các lễ hội để có được nhiều trải nghiệm thú vị trong suốt chuyến đi nhé!